Sunday, September 27, 2015

Những ngày tháng cuối cùng cuộc chiến.






1. Một linh mục Công giáo trợ giúp một người già di chuyển khỏi vùng có chiến sự trong ngày 27/3/1975




2. Hai viên cảnh sát mặc thường phục ẩu đả với các nhà sư và ni cô tham gia một cuộc biểu tình chống chính quyền Ngụy trong ngày 26/1/1975. Một viên cảnh sát (bên trái tấm hình) cảnh báo với cộng sự rằng một ni cô ở phía sau đang chuẩn bị tấn công ông bằng dép.




3. Một bé gái đi cyclo và viên tài xế nhìn vào một cuộc biểu tình nhỏ do những nhà hoạt động phản chiến tổ chức trước Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong ngày 25/1/1975. Các nhà hoạt động này yêu cầu Mỹ ngừng can thiệp vào miền Nam Việt Nam.




4. Những người biểu tình trẻ tuổi ném gậy, đá vào cảnh sát chống bạo động của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn trong ngày 4/4/1975




5. Thanh thiếu niên Sài Gòn vây quanh những chiếc xe lam bị lật trong một cuộc biểu tình của các tài xế, phản đối nhiều vấn đề liên quan tới kinh tế. Bức ảnh được chụp tại cuộc biểu tình diễn chống chính quyền Ngụy trong ngày 25/3/1975 ở Sài Gòn.




6. Một cựu binh Việt Nam Cộng hòa bị thương lê lết trên đường, cầm trên tay ít đồ ăn thu được từ các tòa nhà từng thuộc về người Mỹ, theo sau cuộc di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn. Ảnh chụp trong ngày 29/4/1975.




7. Học sinh trường phổ thông cơ sở ở Sài Gòn ném đá vào cảnh sát trong các cuộc biểu tình chống quân dịch tại Sài Gòn, ngày 27/3/1975. Các học sinh tức giận với sự thay đổi luật quân dịch, trong đó giảm tuổi phải đi quân dịch xuống còn 17.




8. Cảnh ăn trưa bên đường của một nhóm người dân đang di chuyển khỏi vùng chiến sự




9. Một sinh viên Sài Gòn tìm cách chạy trốn, sau khi một viên cảnh sát giật băng rôn chống chính quyền của anh. Khoảng 30 sinh viên đã biểu tình chống việc thay đổi luật quân dịch và yêu cầu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chức.




10. Các ni cô ở miền Nam Việt Nam phản đối chính quyền Nguyễn Văn Thiệu




11. Một ni cô bị thương sau cuộc xô xát giữa cảnh sát và khoảng 20 ni cô tại một ngôi chùa ở Sài Gòn, trong ngày 26/1/1975




12. Người dân di chuyển khỏi vùng chiến sự đi ngang qua một chiếc xe bọc thép của Việt Nam cộng hòa




13. Các nghị sĩ tổ chức một cuộc tuyệt thực kéo dài 24g để chống lại chính quyền "tham nhũng, kém hiệu quả và mang tính đàn áp của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu". Ảnh chụp ngày 10/2/1975.




14. Một nhóm nghị sĩ đối lập đốt ảnh chân dung ông Thiệu để phản đối trong ngày 13/2/197

Sunday, February 15, 2015

Cảnh sát áo tắm.

Trong hình là cảnh sát viên Bill Norton thuộc lực lượng "Cảnh sát áo tắm Washington" một lực lượng riêng cuả vùng để kiểm tra về việc quý bà và các cô chấp hành quy định về độ dài cuả áo tắm thời đó tại bãi tắm Tidal basin, nay là khu vực hồ tại phiá trước Nhà Trắng Washington DC. Mờ mờ phiá sau ta có thể thấy hình cuả cây viết chì nổi tiếng tại DC.

Norton đang theo lệnh cuả tướng Sherrell, giám đốc các công trình công cộng khu vực này, chính là người đã ra điều lệ rằng "áo tắm phụ nữ không được cao quá 6 inches trên đầu gối"

                                                            6 inches = 15 cm

Tấm hình gốc chụp trắng đen, đã được tô màu do Patty Allison
Nước Mỹ thời mông muội cũng từng có nhiều quy định khắt khe đối với phụ nữ, điển hình là giới hạn việc làm ngắn đi bộ áo tắm này, qúy ông lịch sự thời đó chắc cũng rất ân hận về những quyết định dở hơi cuả mình!

Chị em phụ nữ đừng sợ, hãy tự do sô thân hình, không có thân hình xấu, chỉ là không có gan sô.


Lượm lặt, 42

Thursday, February 12, 2015

Ngày mùng một tháng năm bảy lăm.

  (Viết cho những người ở lại chiến đấu)

Mỗi năm cứ đến ngày oan trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
                                   Thanh Nam.


Tôi là lính, năm đó vừa tròn 20, cho đến ngày 25/04/75 tôi vẫn còn đang nghỉ phép, chúng tôi thuộc biên chế đặc biệt "đi hành quân hai tuần-nghỉ phép hai tuần-trực chiến hai tuần" nên tuy chiến sự căng thẳng nhưng riêng tôi vẫn được nghỉ phép, thông thường bằng chính Sự vụ lệnh hành quân 30/30.

Nói sơ về tình hình, chúng tôi thuộc ngành tình báo tác chiến nên nắm tin tức chiến sự tương đối sớm, rục rịch từ những tháng đầu năm trên hệ thống liên lạc tình báo bọn tôi đã đôi lần nghe phong thanh về chiến dịch HCM, cũng như mọi năm những chiến dịch này tiếp nối chiến dịch kia của vc, nào là chiến dịch mùa mưa rồi chiến dịch mùa khô... Duy đợt này, chiến sự càng ngày càng lộ rõ sự nguy cấp, báo hiệu cơn hấp hối của miền Nam mà chúng tôi ngày càng cảm thấy đang đến gần, ảnh hưởng sâu đậm làm tâm trí mọi người lo lắng, tâm trạng chúng tôi lúc đó thực là mâu thuẫn một số nghĩ đơn giản rằng kết thúc sớm chiến tranh để về dân sự, làm lại cuộc đời! Số khác trong đó có tôi không tin vào việc kết thúc chiến tranh êm ả nên rất hoang mang, lo lắng.

Chính vì vậy đến sáng ngày 25/04 khi tôi cảm thấy tình hình chiến sự căng thẳng quá, quyết định bỏ phép lên đơn vị trình diện nhận lệnh hành quân. Gia đình tôi ở một xứ đạo ngoại thành vùng Hóc môn, ngày này mọi ngả đường lính gác dày đặc, ngay ngã tư An Sương tôi đi qua, từng toán nhỏ Biệt kích 81 đã giăng rào concertina nhằm ngăn chặn giao thông, dân chúng lộ vẻ hoang mang, ngay gia đình tôi, các em còn  nhỏ được ba má chuẩn bị sẵn tư thế chạy loạn-những ai ở miền Nam, đã từng trải qua chiến cuộc Mậu Thân 68 chắc có biết về những chuẩn bị này, những trẻ em trong gia đình sẽ được chuẩn bị những bộ quần áo chắc chắn, viền áo/ bâu áo sẽ được nhét vào một bên là những thông tin về gia đình, bên kia là tiền mặt được cuộn tròn như cây đũa nhét vào hai bên viền tà áo, phòng khi lạc nhau, có thể tự sinh tồn, nếu may mắn sống sót còn thông tin để tìm nhau-tôi rời khỏi gia đình lên đơn vị cũng được mẹ gói cho một bộ civil, giày vớ và vô vàn nước mắt, mẹ tôi cố níu kéo mong tôi ở nhà, nhưng tôi nhất định đi!

Phải nhắc lại tháng trước, một nhóm biệt đội hoạt động trên vùng Pleiku/Kontum rút theo quân khu 2 liên lạc cần di tản, bọn tôi đã căng thẳng theo dõi mấy ngày liền khi đơn vị tìm cách đưa một chiếc máy bay C47 đáp xuống đường xa lộ để cứu toán đó, những chiến hữu ở biệt đội hoạt động vùng 2, cuộc giải cứu đã thành công với rất nhiều công sức, nhưng điều quan trọng là qua những tiếp xúc với nhóm trong khi tiến hành di tản, nghe tường thuật trực tiếp hàng ngày từ nhóm, chúng tôi càng thấm rõ hơn tình hình tuyệt vọng của chiến trường.

Tôi đến đơn vị-Biệt đội 25 Kỹ thuật đặc biệt, nằm trong BCH sư đoàn 25 BB, Củ Chi-ngay hôm sau nhận lệnh đi tăng cường cho tiểu khu Hậu Nghĩa đang bị áp lực địch nặng nề, tôi và anh tài xế cùng chiếc Jeep lên xe phóng hết tốc lực về phía Hậu Nghĩa, dọc đường du kích bắt đầu tràn ra hoạt động khuấy rối gần mặt lộ, nổ từng phát AK về phía xe chúng tôi, chúng tôi vừa bắn vừa chạy không giảm tốc độ, cũng may vì tình hình căng thẳng nên không có bóng dáng xe cộ tư nhân trên đường, ơn trời chúng tôi không bị sứt mẻ gì! Chúng tôi đến Hậu Nghĩa khoảng giữa trưa, trung tâm tỉnh Hậu Nghĩa lúc đó vắng hoe, im lìm như một khu phố chết, dân chúng di tản đi hầu hết, nhà cửa đóng im ỉm, trước khi tôi đến đây trung tâm tỉnh lỵ đã hứng nhiều trận pháo kích, và cả tấn công bằng chiến xa PT76 từ hướng bờ sông Vàm Cỏ vô. Đi ngang những căn nhà bị dính pháo tường, mái nhà đổ vỡ toang hoác, chúng tôi cũng nhảy xuống sục vào một tiệm thuốc tây còn nguyên vẹn phía trước, chỉ mảnh tường hông biến mất làm căn nhà như bị cắt một góc, tiếc là trình độ y dược chúng tôi chỉ đọc nổi thuốc nhức đầu, sau một hồi mò mẫm, tôi đi ra gót giầy dính đầy sirô ho và miểng chai, trưa ngày 26/04/75.

Tôi vào trình diện đơn vị sắp xếp chỗ ở, người hạ sỹ tài xế không dám lái xe về nên cũng vác súng đạn và balô quân trang vào phòng nằm. Khi tôi lên gặp đại đội trưởng Điạ phương quân chỉ huy lực lượng bảo vệ tiểu khu, được thông báo là kho vũ khí mở cho "trang bị tự do" tức là ai muốn lấy vũ khí gì, bao nhiêu đạn dược thì tự nhiên, tôi thực sự lo âu, chỉ dấu này là tình hình đã tệ lắm rồi, tôi nói chuyện với những Điạ Phương Quân đang trực chiến, biết được vc đã tấn công bằng xe tăng mấy đợt rồi và bị bắn cháy văng pháo tháp nằm ở cuối đường, các chốt tiền tiêu dọc đường từ hướng sông Vàm cỏ được trang bị M72 chốt chặn.

Bên trong tiểu khu, cùng khu vực với các toán nhỏ yểm trợ của các đơn vị như Hải quân, Biệt động quân...chúng tôi có một căn phòng nhỏ cho bốn người và cũng là nơi đặt giàn máy liên lạc của chúng tôi. Vừa từ kho vũ khí về, xế trưa hôm đó chúng tôi ra kho tự trang bị thêm mấy trái lựu đạn phòng thân và cơ số đạn cho khẩu M16 của mình, chưa kịp nghỉ ngơi thì đoàng-đoàng-đoàng ba phát súng báo động, tôi chỉ kịp chụp súng và nón sắt phóng ra hố cá nhân, trận pháo chào sân của tôi từ khoảng 2 giờ chiều mãi đến 7 giờ tối vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, bụng đói meo ba người chúng tôi chen chúc trong chiếc hầm chật chội -thường mỗi người phải đào riêng cho mình một hố cá nhân trú ẩn, tôi và anh hạ sỹ tài xế còn chưa có thời gian đào- mấy người bạn không dám phóng lên chạy vào phòng lấy lương thực, tôi đành liều chờ cho ngớt đợt pháo phóng lên lôi xuống mớ đồ khô nhai với nhau, hôm đó là ngày 27/04/1975.


Cứ thế pháo giã, các chốt tiền tiêu súng nổ rộn rã rồi lại bất chợt lặng ngắt đi như không hề có chuyện gì, một đêm-ngày trôi qua như trong mộng, thời gian như không tồn tại, không gian đặc nghẹt mùi thuốc súng, mùi lửa cháy nhà trộn với mùi da thịt cháy khét lẹt tràn ngập, từng đợt pháo lúc gần lúc xa, sau những tiếng nổ đinh tai là những trận mưa sắt vụn nóng bỏng rãy, chúng tôi phải hết sức che chắn để không bị bỏng vì miểng đạn dội xuống như mưa trong chiếc hố cá nhân chật cứng. 

Từ hố cá nhân tôi nhìn về phía cột cờ của tiểu khu, từng đợt pháo kích đạn nổ dần không chừa một chỗ nào, các khu nhà trúng đạn mái tôn bay lên như những tờ giấy gặp gió, khói bốc lên từ những khu nhà dân trúng đạn.

Những người lính người dân nào vô phước bị thương tật, lửa đạn lúc này chỉ còn phó mạng cho trời, chúng tôi người lờ đờ như say thuốc, do hít thuốc súng nhiều như say ma túy, đầu mơ hồ, tai điếc đặc vì đạn đại bác nổ như chầy đập trên đầu, người đen nhẻm bẩn như trâu đầm vì bụi khói với miểng đạn rớt trúng, hôm nay là ngày 28/04/75.

Trời đã sáng hẳn, từng đợt pháo kích lúc nhiều lúc ít cứ đều đều không dứt, chợt tiếng súng từ phía những toán tiền tiêu rộ lên dữ dội, kèm với những tiếng nổ rời rạc của M72, đạn pháo kích vc chợt rộ lên như cơn giông dữ dội đổ xuống, từng góc sân như bật tung lên kèm theo mái tôn, gỗ bay lả tả, chiếc cột cờ trước sân tiểu khu trúng pháo đổ gục.

Lệnh di tản phát ra, vì chúng tôi sử dụng nhiều máy móc đặc biệt, sau khi xin lệnh thiêu hủy từ biệt đội trưởng, tôi và các chiến hữu chất máy thành đống hình kim tự tháp, lót kèm những bệ chất cháy, gài thêm vào những kẽ máy toàn bộ số lựu đạn cháy mà chúng tôi có, xốc lên cho chắc chắn chiếc PRC25 đeo trên lưng lần cuối, tôi rút chốt trái lựu đạn cháy thẩy vào đống máy móc, nhìn tia lửa xanh trắng xòa ra, sống lưng tôi như có một luồng gió lạnh ngắt thổi vào làm rùng mình, dự cảm không lành thoáng qua, cái đập tay mạnh vào vai kèm tiếng người bạn dục "đi mày" lay tỉnh, tôi cúi người phóng theo bạn ra phía rào đằng sau của tiểu khu, phía hướng về khu đồng bưng trống trải, xa những tiếng đại bác nổ đinh tai sau lưng, lúc đó là khoảng 9 giờ sáng ngày 29/04.

Tôi phóng qua hàng rào dây thép gai phía sau tiểu khu Hậu Nghĩa, nơi đã được đánh dấu không có mìn, chay zíc zắc theo những dấu hiệu, ra đến cánh đồng ruộng khô với đầy chân rạ, bên cạnh là các chiến hữu trong nhóm chạy lúp xúp, trải đều chung quanh nhóm chúng tôi toàn bộ lực lượng của tiểu khu cũng dàn hàng ngang di chuyển về hướng kênh Xáng -trước đó, trong những lần liên lạc về biệt đội để nhận lệnh, chúng tôi được lệnh của biệt đội trưởng là trong trường hợp thất thủ mất liên lạc với biệt đội, tìm cách về trình diện tại phòng 7/bộ TTM, nơi đó đang có kế hoạch di tản (...ra nước ngoài?)- trên người tôi, ngoài chiếc máy PRC25 nặng chịch kèm thêm cục bin sơ cua, trang bị tối đa hoả lực hành quân, thì hỡi ơi! toàn bộ tư trang mẹ tôi gói ghém cho tôi phải vứt bỏ vì không sức mang theo. Các bạn tôi chia nhau mang theo lương thực và quân trang của tôi, vì tôi đeo máy liên lạc.

Sau thời gian ngắn rút lui yên ổn, du kích bắt đầu bám theo, thậm chí có tên còn cỡi ngựa đuổi theo đoàn quân, trên những thửa ruộng trống chúng tôi vừa bắn vừa di chuyển, trước mắt là một làng nhỏ, chung quanh làng là những rẫy thuốc lá xanh ngắt cao hơn đầu người, phía sau nhóm du kích bám sát bắn khuấy rối, từng tràng AK đẩy những đường đạn ngang đầu rít lên cheo chéo, chúng tôi vừa bắn vừa di chuyển theo đội hình, bọn tôi đi xuyên qua một rẫy thuốc lá to như quạt nan, tiếng đạn bay xuyên lá cây nghe phừng phựt liên hồi, có lúc điên quá, tôi và người bạn cũng nằm xuống đường bờ phang trả mấy băng đạn, mà không hiểu sao chẳng trúng ai, bọn du kích đuổi theo vẫn chạy ngời ngời.

Đang chạy cách tôi sải tay, một người lính dáng lùn tròn ủng trúng đạn ngã chúi nhủi, tiền từng tệp văng ra từ trong lớp áo thun, một số bung ra bay bay như bươm bướm nhiều mầu chung quanh, anh cắm thẳng mặt xuống đất nằm im, tôi vừa chạy vừa quay lại quạt nguyên tràng đạn phía trên đầu nhưng anh không phản ứng, chắc chết tại chỗ -sau này tôi mới biết, anh lính đó là người mang toàn bộ tiền lương tiểu khu mà không kịp phát- cũng không ai có ý định liều mạng chạy ngược trở lại để lượm mớ tiền văng vãi, cỡ nửa tiếng sau nhằm chặn đứng sự quấy nhiễu, chúng tôi nằm xuống bờ ruộng, bắn trả dữ dội kết quả là nhóm du kích chạy mất không thấy bám theo nữa.
                                                                           
Khi chúng tôi băng ngang qua làng kế cận, một xóm nhỏ vô danh nào đó ở vùng Hậu Nghĩa, bất chợt một anh du kích trẻ tuổi nhảy ra, tay huơ súng AK reo "hoan hô bộ đội về làng" bọn tôi chưng hửng, chắc anh này lầm bọn tôi với nhóm du kích nào, hay nghe đài nói giải phóng rồi? Kết cục, chúng tôi tước súng anh ta, trói tay và dắt theo với đoàn quân, anh chàng mếu máo khóc lóc suốt cho đến ngày hôm sau -khi chúng tôi ra đầu hàng- anh đã bằng cách nào đó nhanh chóng lủi đi đâu mất tiêu!

Thoạt đầu chúng tôi được lệnh hành quân về Củ Chi hướng bô tư lệnh sư đoàn 25 BB, chiều đó chúng tôi gặp trung đoàn 46 thuộc sư đoàn 25 BB cũng đang di chuyển hướng về phía Củ Chi nhằm giải tỏa áp lực của vc lúc đó cũng đang tấn công bộ chỉ huy sư đoàn, cả hai đoàn quân của tiểu khu Hậu Nghĩa và trung đoàn 46 nhập chung cùng di hành, toán nhỏ của chúng tôi tháp tùng theo.

Toán quân di chuyển cặp theo con kinh Xáng, xuyên qua khu đồng bưng với cỏ lác cao lút đầu, nước trong bưng nhiễm phèn trong vắt nhưng không uống được, trong khi di chuyển trong vùng này chúng tôi phát hiện ra rất nhiều đường ngang lối tắt của giao liên vc dùng để đi lại trong vùng, thi thoảng gặp những chỗ họ túm đầu cỏ lại, phía dưới làm thành như cái ổ để nằm, nếu bay trực thăng nhìn từ trên xuống rất khó để nhìn thấy!

Chút thương cảm cho phận hồng nhan thời loạn, cùng hành quân với lính có các cô vợ lính trẻ -chắc cỡ chừng 17/18 tuổi đi cùng với trung đoàn 46 bộ binh- chắc các cô lên thăm chồng rồi kẹt với lệnh hành quân bất ngờ nên không về được, cô nào cũng phải vác theo cả cái balô to đùng chắc đồ tư trang của mình, các cô cũng khoác ngoài áo lính nhằm ngụy trang nhưng thấp thoáng phía trong vẫn là các mầu áo bà ba sặc sỡ, không dấu nổi vẻ mệt nhọc vì di hành đường dài, lúp xúp chạy theo bên cạnh người chồng cũng đang mang đầy người trang bị vũ khí, mạnh ai nấy lo phần mình, không biết rồi lỡ nếu chạm trán nổ súng thì các cô ra sao!

Đồng thời với tin bộ chỉ huy sư đoàn 25 BB thất thủ, toàn bộ đoàn quân chúng tôi đổi hướng tiến về Sài gòn, sau lần liên lạc cuối cùng với biệt đội không thành công, cộng với tin thất thủ của hậu cứ, chúng tôi quyết định tiêu hủy máy truyền tin cùng với đặc lệnh truyền tin, nhằm giảm nhẹ quân trang cho dễ di chuyển, tôi quăng máy xuống một vũng nước, xả nguyên một băng M16 vào máy, đốt đặc lệnh truyền tin rồi tiếp tục rút lui! Đoàn quân lầm lũi đi trong khu vực bưng (Lê minh Xuân) và dừng quân đóng trại đêm đó dọc theo kinh Xáng, xa xa ánh đèn thủ đô Sài gòn vẫn sáng rực trong đêm, sau khi nhận lệnh gác đêm ổn định chỗ nằm chúng tôi chia nhau chút thực phẩm và nước cho bữa tối. Đêm chiến trường trôi qua êm ả, điểm xuyết với ánh sao là những tiếng ì đùng bất tận của đạn nổ, vọng đến từ mọi hướng chung quanh, bóng đêm đặc quánh chung quanh tôi ngồi gác mà tâm trạng ngổn ngang bất định, đó là đêm 29/04/75

Buổi sáng đến, tâm trạng mọi người căng thẳng chờ lệnh, toàn bộ đoàn quân nằm trong tư thế sẵn sàng tác chiến, vài người lính bật radio loại bỏ túi lên nghe, chúng tôi cố lắng nghe tin tức để biết tình hình ra sao, bất chợt mọi tiếng động chung quanh như ngừng lại im ắng một cách kỳ lạ, tiếng rè rè từ chiếc radio phát ra lệnh đầu hàng từ tướng Dương văn Minh, chúng tôi ai nấy chết lặng, mọi người như hóa đá không hiểu được việc gì đang xảy ra, chúng tôi bất động mọi người im lìm nhìn nhau không biết phải làm gì!

Mãi lâu sau, không biết đã trải qua bao nhiêu thời gian, từ xa ngoài lộ lố nhố chừng một tiểu đội bộ đội chính quy với du kích vũ khí lăm lăm tiến vào, chúng tôi vẫn ở tư thế sẵng sàng chiến đấu, thật lâu sau thêm tiếng rù rù của xe tăng đến, sau những thương lượng giữa các cấp chỉ huy -đi cùng chúng tôi là Thiếu tá Soạn TQLC, chỉ huy trưởng tiểu khu Hậu Nghĩa, cùng với chỉ huy trưởng tiểu đoàn 46/25 BB- chúng tôi nhận được lệnh buông súng, tập trung vũ khí một chỗ ở vệ đường, cởi bỏ giày bốt và được phép mang quân trang balô cá nhân, và mỗi người tự tìm đường về nhà.

Trong thời gian chuẩn bị giao nộp vũ khí, bọn tôi tháo cơ bẩm súng vùi xuống bùn, tôi vùi cùng với lựu đạn và các băng đạn là giấy tờ tùy thân, thẻ quân nhân cùng với tấm thẻ lương, thẻ quân tiếp vụ, tôi giữ lại chiếc ống nhòm quân đội trong balô làm kỷ niệm. Sau khi giao súng, tôi và thằng Lợi, một chiến hữu và cũng là bạn học từ thời trung học nhà ở Trung Mỹ Tây băng ruộng tìm đường về nhà, chân đi vớ không giày, quần áo lính balô không súng đạn, hai đứa chúng tôi thất thểu băng đồng, giờ này là xế trưa 30/04/75.

Hai chúng tôi băng rẫy, tránh những vùng đông người, đang đi chợt thấy một cô gái trẻ ôm đứa bé đỏ hỏn đang đứng khóc ri rỉ giữa đồng, tôi và người bạn lại gần hỏi thăm, cô gái cỡ dưới 20 tay ẵm đứa bé nhỏ như chai bia còn đỏ hon hỏn, khóc mếu nhờ bọn tôi kéo xác chồng bị bắn vất dưới giếng -những giếng tưới rẫy không bờ be, chỉ có khúc tre để móc gầu- chúng tôi thấy đôi dép văng vãi trên mặt ruộng, mờ mờ dưới đáy giếng hình người thấp thoáng, thấy hai bàn chân đưa lên, hai chúng tôi quay mặt bước đi không ngoảnh lại cũng không một lời an ủi, chúng tôi giờ tự lo thân mình chưa xong, giúp được cho ai!


Tôi và thằng bạn về đến xóm nhà nó lúc trời đã sẩm tối, trên đường đi tôi như trong mơ, không còn nhận biết được những thay đổi chung quanh, đường phố vắng lặng chết chóc, tôi mệt nhoài, vào nhà nó lục cơm ăn xong tôi móc túi gom hết tiền cùng người bạn đi mua được 1 tép lớn trắng, hai thằng xe hết vào mấy điếu Pallmall còn sót lại chia nhau hút, phiêu diêu quên hết sự đời, chúng tôi cứ thế nằm ngoài hiên nhà nó ngủ từ buổi chiều tối ngày 30/04/75 mãi đến gần trưa ngày hôm sau.

Trưa hôm sau, tôi sau khi được ăn uống no đủ từ nhà người bạn chiến đấu, mẹ nó đưa tôi bộ quần áo dân sự, tôi mặc vào và bắt đầu cuốc bộ về nhà, tôi phải đánh một vòng lớn theo chu vi của trung tâm huấn luyện Quang Trung vì là khu vực quân sự, đã bị vc chiếm đóng nên không đi xuyên qua được, đoạn gần ngã tư Trung chánh, ngang qua một khu sân khấu dựng vội người đứng lố nhố, loa đang oang oang đấu tố một người xấu số nào đó, dân chúng tập trung vào các đối tượng đang bị bêu đứng trên bục cao, tôi né ra xa xuôi theo hướng Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ cố đi nhanh về nhà.

Về qua ngã tư Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, trên đường xa lộ Đại Hàn phía trước trường trung học Phan bội Châu, ngay góc trung tâm huấn luyện hai chiếc T54, một chiếc bị M72 thổi nghiêng đâm xuống lề đường, chiếc kia cách sau chừng non 10 thước trúng đạn bật pháo tháp nằm nguyên trên mặt đường đang còn bốc khói cháy âm ỉ, tôi né qua bên kia đường để đi tránh những quân trang, quân phục giầy nón cởi bỏ vất đầy đường, tôi cứ thế lầm lũi cố đi cho nhanh, cuối cùng cũng về đến khu xóm đạo.

Đường xá vắng hoe, lác đác vài người đi ngược chiều với tôi người nào ánh mắt cũng ngơ ngác, về gần đến nhà tôi thấy từ xa xa mẹ tôi đứng trước nhà dáng gầy gò bên đường mắt đỏ mọng lên vì khóc nhiều đang ngóng tìm, giờ này đã là chiều ngày 01/05/1975. Vào đến sân nhà, tôi mệt mỏi bước qua đám lổn nhổn vỏ đạn đại liên không biết từ chiếc xe tăng nào đó bắn mà văng vãi đầy trước cửa, tôi chỉ kịp cởi chiếc áo nằm xoài xuống nền nhà và ngủ thiếp đi -sau này tôi mới hiểu khi tàn cuộc chiến, những ai có thể về thì đã về từ hôm qua, những người không về hôm qua thì có thể mãi mãi sẽ không về! Mẹ tôi, chắc khóc nhiều vì nghĩ thế- bà có biết đâu con trai mải chơi quên lối về.

Con nào mà chẳng từng làm mẹ buồn, nào phải chỉ mình tôi!
Viết lại, 42

Sunday, February 8, 2015

Nụ hôn vĩnh cửu.

 Nụ hôn 2800 năm.

Nhiều người sau khi ngắm nụ hôn 2,800 năm đã kết luận rằng "Tình yêu là vĩnh cửu".
Đây là bức ảnh chụp từ cuộc khai quật tại Solduz Valley, thuộc miền Tây Azerbaijan-Iran. Hai bộ xương người này đều là đàn ông, bị chết trong một căn hầm, theo phỏng đoán khi bị địch tấn công hai người đã trốn trong căn hầm thạch cao và bị chết ngạt trong đó vì khói khi khu nhà bị đốt. Theo kết quả khảo sát thì hai bộ xương đã nằm đó từ 800 năm trước Công nguyên.

Có thể hai người là thành viên cùng gia đình, nhưng cũng có thể hai người đàn ông là tình nhân, và họ đã hôn nhau cái hôn cuối cùng để đi vào vĩnh cửu!

Hai bộ xương chết nhưng không mang theo họ bất cứ thứ gì ngoài một cục đá hình chữ nhật gối trên đầu một người, không vết thương (lỗ thủng trên đầu người bên phải là do máy đào trúng) chỉ có hành động cuối cùng cho thấy là họ trao nhau một nụ hôn vĩnh viễn.

Tấm hình lấy từ bảo tàng Penn Museum và được chú thích là The Lover "Người yêu".

                           Chỉ đàn ông mới mang đến hạnh phúc cho nhau?

Chuyển ngữ 42. Hehe!

Wednesday, January 7, 2015

Kỹ thuật chiến tranh.


Những kỹ thuật tối tân cuả chiến tranh thế giới I

Như chúng ta biết, trong chiến tranh thế giới I rất nhiều khí tài dùng trong chiến tranh đã được cải tiến nhờ cách mạng kỹ thuật, đơn cử máy bay hay tầu ngầm. Hiện đại hoá trang thiết bị cũng được coi như là một loại vũ khí, nên nhớ xe tăng đã được thí nghiệm và đưa ra trận tuyến vào thời này, không kể nhiều những xe lửa bọc thép, kỹ thuật ngụy trang, chiến đấu, hơi độc và nhiều thứ khác.

Có những sáng chế, nếu ta nhìn lại sẽ không biết người ta nghĩ ra nó để làm gì?



02.jpg
Xe lửa bọc thép cuả quân Áo-Hung tại Galicia 1915. Xe lửa bọc thép đầu tiên được biết là trong cuộc nội chiến Mỹ, được dùng để chuyên chở vũ khí và binh lính đến những vùng chiến sự nguy hiểm
03.jpg
Xử dụng xe lửa hay dùng nó để tấn công cũng rất phức tạp. Trong hình là bên trong một chiếc xe lửa bọc thép chụp tại Ukraine năm 1918. Chất đầy những loại súng hạng nặng.
04.jpg
Tank Mark I
Xe tăng, thoạt tiên quân đội Anh lưu tâm đến sự quan trọng cuả xe bọc thép. Những nghiên cứu và thử nghiệm bắt đầu phát triển mạnh từ tháng 1/1916 và cho ra mẫu tăng đầu tiên tên gọi Big Willie. Đây là mẫu xe bọc thép căn bản cuả quân đội Anh trong WW I. Dây chuyền sản xuất xe tăng này được bắt đầu rất bí mật, do nhiều nhóm nghiên cứu, Big Willie cũng đồng thời được gọi là Mother (Mẹ) hay còn gọi Mark I, ngôn ngữ trong những văn bản chính thức chỉ ghi đơn giản nó là Water Carrier (Xe chở nước) nếu viết tắt (WC) nó lại càng mơ hồ, mật danh cuả chương trình sản xuất này được ghi là TANK.

24.jpg
Mark I cuả Anh với kỵbinh.
06.jpg
Kiểu Mark A, 1918 cuả Anh là tăng hạng trung, chụp tại Achi-le-Petit phiá trước hình là xác một quân nhân.
33.jpg
Lính Tân Tây Lan đang trong chiến hào với chiếc tăng cuả Anh lật ngược.
19.jpg
Những chiếc tăng bị sa lầy, bỏ lại, 1918
22.jpg
Lính Mỹ trên tăng FT-17 tại Pháp 1918, Tăng cuả hãng Renault-Pháp
Cùng với sự phát triển về xe tăng cuả Anh, quân đội Pháp cũng bắt đầu sản xuất xe bọc thép. Kiểu cuả Pháp có hình dạng hột xoài (diamond shape) hoàn toàn khác với kiểu thiết kế cuả Anh vốn dĩ rất cồng kềnh, do đó đã cho ra kiểu dáng nhỏ hơn nhưng cơ động hơn rất nhiều.

FT-17 được sản xuất bởi Renault được coi như tốt nhất trên chiến trường, một trong những đặc điểm là pháo tháp quay tròn chung quanh, cho đến nay vẫn còn được thịnh hành.

15.jpg
Tăng Đức A7V, chỉ khoảng dưới 100 chiếc đã được sản xuất.
Quân đội Đức cuối cùng cũng nhận ra sự quan trọng về vũ khí mới, họ xuất xưởng loại A7V nhưng không hoạt động hiệu quả, thêm với toàn bộ ngành kỹ thuật quân sự Đức đang dồn mọi nỗ lực trong việc phát triển chiến đấu cơ, nên thay vì sản xuất cho riêng mình, tận dụng những xe tăng tịch thu được cuả địch quân là cách mà quân đội Đức đã chọn để phát triển đội xe tăng!

45.jpg
Xe tăng tịch thu được cuả Anh, đã sơn phù hiệu Đức
27.jpg
Vừa dùng xăng-điện được sáng chế bởi American Holt (nay là Caterpillar) và General Electric (GE). Mẫu xe tăng này đã không được sản xuất vì trọng lượng quá nặng (25.4 tấn)
05.jpg
Gần hai mươi ngàn chiếc xe môtô hiệu Harley-Davidson và Indian đã được sản xuất dùng trên chiến trường Âu châu bởi những người lính Mỹ. Được mệnh danh là Chiếc máy cuả chiến binh, Soldier engine.
32.jpg
Rất nhanh được phổ biến là kiểu gắn súng máy trên chỗ ngồi phụ cuả xe mộtô (sidecar)
09.jpg
Một đài quan sát được ngụy trang thành gốc cây, trên chiến trường miền Tây thường rất hiếm cao điểm có thể dùng để quan sát, đây là một cách ngụy trang!
16.jpg
Một kiểu ngụy trang dùng cho lính bắn tiả, hình dạng một xác bò hay ngựa
14.jpg
Điện thoại di động bằng dây, hai người lính khiêng cuộn dây điện thoại cho chỉ huy đang nói chuyện.
Giải pháp về điện thoại đi động bắt đầu vào thời điểm rất sớm cuả cuộc chiến, tuy kỳ lạ nhưng để giải quyết vấn đề về những trạm điện thoại cố định với hệ thống dây dẫn cố định trong chiến tranh chiến hào, các người lính chỉ chiến đấu trong chiến hào cố định và không di chuyển nhiều. Khi mặt trận di chuyển tới trước hoặc rút về phiá sau, thường họ bỏ lại những hệ thống dây liên lạc dùng cho đơn vị, sau khi trở lại khu vực nhiều khi họ phát hiện ra hệ thống đã được địch quân xử dụng. Đã có trường hợp, hệ thống điện thoại cuả Anh rung chuông, khi trả lời là một giọng Đức vì hệ thống dây điện thoại cuả hai phiá bị chạm mạch vào nhau, đôi khi là do cố tình phá hoại.
01.jpg
Tại mặt trận phiá Tây, 1917. Hệ thống cung cấp điện bằng bánh mì, dùng cho hệ thống truyền tin đường dài.
10.jpg
Hệ thống Helio liên lạc bằng ánh sáng, các quân nhân Ottoman đang sử dụng, 1917
Hệ thống Helio này hội tụ ánh sáng mặt trời vào một điểm, dùng kiểu ngắt chớp tắt cuả tín hiệu Morse để gởi tin đi. Hoạt động rất tốt trong sa mạc và vẫn được sử dụng cho tới 1960, quân đội Pakistan thậm chí vẫn dùng nó tới 1975!
12.jpg
Tấm hình chụp các chiến binh Mỹ đang mang mặt nạ chống hơi độc, tấm hình đặc biệt ở chỗ ta có thể thấy phiá sau, một chiếc pháo sáng được bắn lên nhằm báo hiệu cho những khu vực khác là có cuộc tấn công bằng hơi độc xảy ra.
26.jpg
Quân nhân Ailen đang thực tập với mặt nạ, 1916
20.jpg
1918, quân lính ở Mesopotamia (nay là Irac), những ngưòi chống lại lực lượng Ottoman/Thổ nhĩ kỳ cuả đế quốc Anh.
35.jpg
1918, lính Mỹ đang thử với mặt nạ kiểu mới nhất, New Jersey
36.jpg
Lính Đức với súng bắn hơi độc? 
08.jpg
Bộ binh Đức với kiểu mặt nạ mới nhất, có thể vừa đeo vừa nói điện thoại.
13.jpg
Máy đào công sự cuả Đức, có thể đào từ 200-400 mét/giờ. 1918
23.jpg
Áo sưởi bằng điện cho phi công Đức, gồm cả mặt nạ sưởi, giầy sưởi. Các phi công phải xử dụng súng máy trong điều kiện nhiệt độ âm với tốc độ cao và không được che chắn.
30.jpg
Xe bọc thép, các sỹ quan Đức chụp tại Ukraine, 1918
34.jpg
Xe bọc thép cuả Anh, dùng để bắn máy bay bị lính Đức bắn hạ.
39.jpg
Chiến xa với súng đại bác cuả quân đội Ý, chưa đầy 50 chiếc được sản xuất trong suốt cuộc chiến tranh.
40.jpg
Súng phun lửa, thoạt đầu những người lính sử dụng súng phun lửa thường là mục tiêu dễ bị tiêu diệt...

18.jpg
...nhưng sau này, nó chính là nỗi sợ cuả lính lái xe tăng







47.jpg
Một người lính Đức chụp hình kỷ niệm với chiếc tăng cuả Anh bị đốt cháy cùng với những người lính xe tăng.
11.jpg
Xe cứu thương dùng trong chiến hào

Để bảo vệ những người lính cứu thương và những chiến binh bị thương khỏi đạn địch quân, miểng đạn pháo, do cuộc chiến tranh chiến hào càng khốc liệt. Điều khó khăn là các chiến hào có bề ngang hẹp và rất khó xoay trở, mẫu xe cứu thương trên đã được thiết kế.

Ngay khi xử dụng đã cho thấy quá nhiều nhược điểm, tiết diện bánh xe quá nhỏ nên không chạy trong điều kiện bùn sình cuả chiến hào được, vì bề ngang hẹp, nên cầu xe (chiều ngang từ hai bánh xe) quá hẹp, chiếc xe mất thăng bằng khi chạy trên mặt đất, tóm lại chiếc xe cứu thương này hoàn toàn vô dụng, chưa kể đến nó quá nhỏ khi chở trên đó hai người lính cứu thương thì gần như không có chỗ cho thương binh và dụng cụ y tế!


42.jpg
Chiếc Radar, định vị âm thanh

Bắt chước đúng khuôn mẫu từ những phát minh về hệ thống âm thanh cuả Mỹ, dùng thiết kế như hình sừng trâu để khuyếch đại âm thanh, nhỏ gọn dễ di chuyển?! chiếc rađa này dùng để nghe máy bay địch từ xa. Chỉ có điều là, những chi tiết về hướng bay, tầm xa cuả máy bay địch hoàn toàn được ước lượng tùy hứng cuả người chuyên viên!


Have Fun!
Chuyển ngữ 42.